Chương 1: Cuộc gặp gỡ định mệnh

[Longfic][BAP][T+] Xưng Đế Hành Trình

Hôm nay tiểu thiếu gia Văn Chung Nghiệp được mẫu thân dắt đi chợ, trong lòng cảm thấy vui sướng lắm. Cậu bé chạy khắp nơi, thấy cái gì cứ ngộ nghĩnh, lạ lạ là bắt mẫu thân mua cho mình bằng được.

“Nghiệp nhi, con đứng ở đây với Thanh tỉ tỉ chờ ta, ta vào trong kia mua ít vải.” – Văn phu nhân nói với con mình, sau đó phu nhân bước vào trong.

“Vâng” – Thanh tỉ và Nghiệp nhi đồng thanh.

Văn phu nhân vừa vào trong, Nghiệp nhi đã kéo tay Thanh tỉ đến hàng bán diều, ở đây có rất nhiều con diều với kích thước màu sắc khác nhau. Nghiệp nhi thích thú ngắm nhìn những con diều đủ hình dạng, cười tít hết cả hai mắt, lại còn giở giọng nhõng nhẽo đòi Thanh tỉ mua cho bằng được con diều Hắc Long đẹp đẽ.

“Nô tì không thể nghe theo thiếu gia được. Phu nhân đã dặn là không được mua thêm bất kì thứ gì cho cậu nữa, nô tì không dám cãi.” – Thanh tỉ nhắc lại lời căn dặn của Văn phu nhân cho Nghiệp nhi nghe, nhất mực từ chối không mua.

“Thôi mà Thanh tỉ tỉ đáng yêu tốt bụng của đệ, mua cho đệ đi!” – Nghiệp nhi lại quay sang giở giọng nịnh hót. Đứa trẻ này mới bây lớn đã lắm chiêu nhiều kế, dẻo mồm dẻo miệng, lại còn ham chơi chẳng chịu học hành, khiến cho lão gia và phu nhân lúc nào cũng phiền lòng.

“Thiếu gia, nếu người còn đòi mua nữa, nô tì sẽ méc với phu nhân!” – Thanh tỉ quyết định phải dùng đến kế sách dọa dẫm này mới mong Nghiệp nhi thiếu gia sợ mà không vòi vĩnh nữa. Cũng phải, ở bên cạnh chăm sóc thiếu gia từ khi thiếu gia vẫn còn là một đứa bé bồng trên tay, Thanh tỉ ít nhiều cũng hiểu được một phần tính khí của Nghiệp nhi.

“Được rồi, không mua thì không mua.” – Nghiệp nhi hậm hực bỏ đi, mặt mày nhăn nhó. Thanh tỉ lén cười, cái trò giận lẫy này quá quen rồi, bây giờ đem ra cũng không hù được ai.

Nghiệp nhi vừa đi vừa dòm ngó các gian hàng đủ màu sắc, lòng thèm thuồng muốn được mua, nhưng cứ liếc mắt nhìn Thanh tỉ, lại đành bỏ qua mà đi tiếp. Đến đoạn rẽ cuối chợ, thiếu gia nhỏ tuổi nhìn thấy một đám trẻ to xác đang xúm vào vừa hét vừa đánh một đứa nhỏ khác, lòng hào hiệp bỗng chốc dâng lên, Nghiệp nhi vội vàng nhào tới lôi cổ từng đứa trẻ to xác ra, đến cả Thanh tỉ cũng trở tay không kịp. Vì được phụ thân dạy cho một chút võ công, lại có chút thân thế khiến nhiều người nể trọng, đám trẻ kia chỉ biết cúi đầu bỏ chạy trước Văn thiếu gia, để lại một đứa nhỏ ăn vận rách rưới, máu rướm y phục, mình mẩy bầm dập trầy xước, lại phát ra mùi hôi thối của những kẻ ăn mày phố chợ. Nghiệp nhi vừa nhìn thấy đứa nhỏ đó đã cảm thương, vội vàng chạy tới đỡ nó dậy, lại phủi giúp cát bụi trên quần áo đứa nhỏ, ân cần từ tốn, rất có chí khí của một vị anh hùng.

“Ngươi không sao chứ?” – Nghiệp nhi mở lời, cố gắng để không bịt mũi trước cái mùi hôi thối phát ra từ đứa nhỏ.

“Đa tạ thiếu gia…lúc nãy không có người thì…Hồng nhi đã chết rồi!” – đứa nhỏ vừa sụt sịt khóc vừa xoa xoa vết thương ở tay phải.

“Nhà Hồng nhi ở đâu ta đưa về?” – Nghiệp nhi tiếp tục hỏi han.

“Hồng nhi… Hồng nhi không có nhà.” – đứa nhỏ mếu máo, tiểu thiếu gia thấy vậy bỗng muốn đưa đứa nhỏ Hồng nhi đó về nhà làm bạn.

“Thanh tỉ tỉ…” – Nghiệp nhi chạy đến bên Thanh tỉ, nắm tay kéo lại và chỉ vào đứa nhỏ – “Tỉ tỉ cho đệ mang Hồng nhi về gia phủ nha, Hồng nhi tội nghiệp lắm!”

“Không được đâu thiếu gia! Phu nhân mà biết sẽ trách tội, nô tì gánh không nổi.” – Thanh tỉ hốt hoảng khuyên can.

“Chỉ cần nói với mẫu thân một tiếng là được rồi. Đệ sẽ xin mẫu thân!” – Nghiệp nhi ngay lập tức kéo tay đứa nhỏ Hồng nhi đi về phía hàng vải.

“Thiếu gia…” – Thanh tỉ bất lực chạy theo thiếu gia nhỏ.

“Con đây rồi Nghiệp nhi!” – Văn phu nhân tay mang giỏ mây, vừa nhìn thấy tiểu tử đã mừng rỡ mỉm cười.

“Mẫu thân…” – Nghiệp nhi hớt ha hớt hải chạy lại với phu nhân, không để cho mẫu thuẫn mình kịp hiểu chuyện đã ngay lập tức mở lời – “Người cho Hồng nhi về gia phủ ở với con được không? Hồng nhi rất tội nghiệp.”

“Hồng nhi? Con nói Hồng nhi nào?”

“Đây ạ!” – Nghiệp nhi đẩy đứa nhỏ lên phía trước. Hồng nhi trước mắt Văn phu nhân là một đứa trẻ y phục lấm lem bùn đất, mặt mày bầm dập trầy xước khó coi, lại hốc hác và còi cọc như bị bỏ đói lâu ngày. Thật quả là tội nghiệp!

“Đây là Hồng nhi con nói sao?” – Văn phu nhân hơi có ý xem thường đứa nhỏ, nhưng nhìn thấy nó tội nghiệp, mặt mày có vẻ thông minh sáng sủa, bỗng chốc động lòng.

“Nghiệp nhi muốn đưa Hồng nhi về gia phủ. Mẫu thân, người cho phép con đi!” – Nghiệp nhi ôm lấy Hồng nhi, mặt mày tỏ ra đáng thương để mong mẹ động lòng. Nói gì chứ mấy cái việc làm người khác mủi lòng vẫn là cái thế mạnh của đứa tiểu tử này.

“Thiếu gia, Hồng nhi không thể mang ơn người nữa.” – Hồng nhi nhất mực từ chối. Chính thái độ của đứa nhỏ đó đã khiến cho Văn phu nhân cảm thấy hài lòng, phu nhân cho rằng đứa nhỏ này không phải hạng trẻ con ăn mày bình thường, chắc chắn là rất thông minh.

“Được rồi. Nếu con hứa là sẽ học hành chăm chỉ thì ta chấp thuận cho Hồng nhi về nhà chúng ta.” – Văn phu nhân bỗng nghĩ ra một kế rất hay, bà đặt điều kiện với Nghiệp nhi.

“Phu nhân, người…” – Hồng nhi định lên tiếng, nhưng hình như chẳng có ai nghe đứa nhỏ nói cả.

“Mẫu thân, là người nói đó nha.” – mắt Nghiệp nhi sáng rỡ, nó không ngờ là bà lại có thể chấp thuận dễ dàng như vậy.

“Nếu con hứa với ta là sẽ học hành chăm chỉ!” – Văn phu nhân mỉm cười.

“Con hứa” – Nghiệp nhi gật đầu ngay tức khắc, đôi mắt híp lại vô cùng đáng yêu.

“Quân tử nhất ngôn” – Văn phu nhân cảm thấy hết sức hài lòng, không biết vì cớ gì mà con trai mình lại đồng ý dễ dàng như vậy. Từ nay nàng đã có cái cớ để bắt Nghiệp nhi học hành chăm chỉ.

“Quân tử nhất ngôn” – Nghiệp nhi nhảy cẫng lên ôm lấy mẫu thân, Văn phu nhân cũng vui vẻ mà dắt tay đứa con trai mình, cái hình ảnh này hiếm có người nào ở đây thấy được.

.

“Phụ thân, phụ thân” – Nghiệp nhi vừa về tới gia phủ đã hét ầm lên gọi phụ thân, bàn tay nhỏ nhắn vẫn không quên nắm lấy tay Hồng nhi.

“Ôi Nghiệp nhi, hôm nay đi chợ với mẫu thân có vui không?” – Văn lão gia tươi cười với cậu con nhỏ.

Văn lão gia tuổi tác cũng chỉ ngoài 30 nhưng lại sở hữu gia tài và căn phủ to lớn nhất nhì Ngô Châu của cha mẹ quá cố để lại, tiếng tăm khắp cả kinh thành ai cũng biết đến, hiếu tử hiền thê, khiến người ngoài ai cũng phải ganh tị. Việc buôn đồ gỗ của Văn gia lúc nào cũng thuận lợi, tuy hơi gặp trắc trở khi mang sang các nước lân cận, nhưng nhìn chung vẫn phát triển rất tốt. Xem khắp thế gian ít ai có được tài đức như Văn lão gia, một mình gây dựng cơ đồ cho họ Văn, ai ai nghe đến cũng đều phải nể trọng.

“Có ạ!” – Nghiệp nhi chạy lại, vui vẻ khoe đồ chơi mới với phụ thân.

“Thế ai đây?” – Văn lão gia thấy Hồng nhi đứng lấp ló trước cửa nhà không dám vào, liền quay sang hỏi con trai.

“Hồng nhi của con đấy ạ!” – Nghiệp nhi hồn nhiên cười nói, chạy ra kéo tay Hồng nhi vào.

“Của con?” – Văn lão gia nhíu mày vì lời nói khó hiểu của con mình, chẳng hiểu thằng tiểu tử này học đâu ra cái thói thích sở hữu người khác như vậy.

“Vâng, là mẫu thân bảo vậy. Mẫu thân bảo nếu con chăm chỉ học hành thì Hồng nhi sẽ ở đây chơi với con, Hồng nhi sẽ là của con.” – Nghiệp nhi nhắc lại lời Văn phu nhân. Hồng nhi vẫn lạ chỗ, sợ sệt nấp sau lưng Nghiệp nhi.

“Hai cha con nói gì mà có nhắc đến ta?” – vừa lúc đó Văn phu nhân cầm giỏ mây bước vào cửa, theo sau là Thanh tỉ và vài nô tì khác.

“Phu nhân, nàng quả thực cao minh. Cả cái kế sách này mà nàng cũng nghĩ ra, không hổ danh là phu nhân Văn gia.” – Văn lão gia mỉm cười nói lời đầy ẩn ý, Nghiệp nhi ngơ ngác nhìn phụ thân, chẳng hiểu là người đang nói gì.

“Phu quân, chàng quá lời rồi! Nếu thiếp không dùng kế sách này, thì sao có thể đối phó với cái tính lười nhác của con trai mình?” – Văn phu nhân đưa giỏ cho nô tì, ra hiệu cho lui, xong mới bước đến gần, mặt đối mặt với phu quân mình.

“Có thật là nàng chỉ có mục đích đó không?” – Văn lão gia tránh ánh mắt của phu nhân, ngài biết nếu cứ mắt đối mắt thế này sẽ không thể thắng nổi vợ mình.

“Chàng không tin thiếp sao?” – một câu nói của Văn phu nhân đã đánh động tới tâm lí của lão gia, bà còn lạ gì lão gia nhà mình nữa.

“Hai người nói gì con không hiểu gì hết. Thôi, con ra ngoài chơi đây!” – Nghiệp nhi bức bối nói, rõ ràng là biết nó không hiểu nên mới cố tình nói, phụ mẫu lúc nào cũng vậy.

“Nếu con muốn hiểu thì cứ cố gắng mà học hành cho đàng hoàng thì tự khắc sẽ hiểu.” – Văn lão gia đánh trống lảng sang vấn đề khác, tiếp tục đối khẩu với ái thê không phải là cách hay, huống hồ chỉ là phỏng đoán của bản thân lão gia.

“Nhưng trước khi đi chơi con phải tắm đã, cả Hồng nhi cũng phải tắm nữa.” – Văn phu nhân nhấc người Nghiệp nhi lên, không cho nó có cơ hội chạy ra khỏi cửa.

“Không, con không tắm đâu!” – Nghiệp nhi giẫy giụa, cả đời này nó ghét nhất là tắm, sau đó là học.

“Thế con có muốn Hồng nhi ở đây với con không?” – lời nói của phu nhân nhẹ nhàng nhưng lại có sức mạnh không ngờ được, Nghiệp nhi lập tức ngoan ngoãn đồng ý đi tắm.

“Tốt” – Văn lão gia khen, chẳng biết là khen vợ hay khen con nữa đây.

“Thanh nhi, con mang hai đứa nó vào tắm đi. Nhớ lấy bộ y phục đẹp một chút cho Hồng nhi thay ra. Từ hôm nay Hồng nhi sẽ là người của Văn phủ, nhớ đối đãi cho tử tế!” – Văn phu nhân căn dặn Thanh tỉ cẩn thận.

“Vâng thưa phu nhân” – Thanh tỉ cúi đầu vâng dạ, sau đó dắt tay hai đứa trẻ vào trong. Hồng nhi ngoái lại nhìn phu phụ họ Văn.

“Rõ ràng nàng biết Hồng nhi là con trai của Thôi Thủy Nguyên.” – Thanh tỉ cùng hai đứa trẻ vừa rời khỏi, Văn lão gia đã tiếp tục mở lời. Văn phu nhân thoáng giật mình nhưng vẫn cố tỏ ra thản nhiên như không.

“Chàng dựa vào đâu mà nói như vậy?” – Văn phu nhân bước tới ngồi xuống ghế, điềm nhiên nhìn phu quân.

“Ta dựa vào trực giác.” – Văn lão gia chắp hai tay ra sau lưng, ngài nhìn ra cửa.

“Trực giác? Chàng nghĩ trực giác của chàng đúng tới mức nào? Hồng nhi đơn giản chỉ là một đứa trẻ ăn mày mà con chúng ta bắt gặp ngoài chợ. Thân thế của nó thiếp còn chưa biết thì làm sao biết nó là con của Thôi đệ đệ?” – Văn phu nhân đánh vào điểm sơ hở của phu quân mình, vẻ mặt đắc thắng lộ rõ.

“Uyên Lai, nàng nghĩ ta là kẻ ngốc sao? Chẳng lẽ rước nàng về phủ bao lâu nay mà ta còn không hiểu nàng. Chỉ một ánh mắt của nàng dành cho Hồng nhi cũng đủ khiến ta hiểu tất cả. Ta biết Thôi đệ đệ có ơn với gia đình nàng, nhưng ta vẫn không thể cứu đệ ấy. Ta không lo Hồng nhi sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Văn gia, ta chỉ sợ một khi nó biết được sự thật sẽ lại mang hận trong lòng, giết chết nhiều người vô tội.” – Văn lão gia thở dài, cái kí ức xưa cũ ấy đột ngột trở về khiến ngài không khỏi phiền não.

“Thiếp biết, chính vì thế mà thiếp mới mạo muội xin chàng cho nó đến ở với chúng ta. Thiếp đã suy nghĩ kĩ, Nghiệp nhi con trai mình cần phải học hành đến nơi đến chốn, Hồng nhi lại cần được bảo vệ khỏi kẻ thù. Hồng nhi sẽ là cái cớ để Nghiệp nhi ngoan ngoãn học hành, còn Hồng nhi sẽ được bảo ban và che giấu thân phận thật sự khi ở đây.” – Văn phu nhân thở dài nói ra sự thật ẩn sau cái màn giả vờ vừa nãy.

“Nhưng nàng có nghĩ đến việc nếu như bọn chúng lại cho người đến lục soát phủ, thì ta biết giấu Hồng nhi ở đâu? Việc làm ăn của ta muốn suôn sẻ phải nộp thuế cho chúng, muốn chuyển hàng ra các nước lân cận phải thông qua kiểm duyệt gắt gao, ta làm gì chúng cũng đều nắm được tình hình, làm gì cũng phải đề phòng chúng có cớ bắt bẻ. Lỡ đâu chuyện này đến tai chúng, ta e đến cả cái phủ đệ này còn không giữ được huống hồ chi là bảo vệ cho Hồng nhi.” – Văn lão gia lắc đầu khuyên vợ, ngài cho rằng kế sách của vợ mình có phần hiểm nguy, chỉ sợ ngài còn không giữ nổi mạng cho mình, nói chi là đến Hồng nhi.

“Nhưng thiếp không yên tâm để Hồng nhi một mình lưu lạc ở bên ngoài, bên ngoài có biết bao nhiêu nguy hiểm, nó còn bé dại chưa hiểu chuyện. Thiếp chỉ sợ chúng đến đây làm khó chàng, còn về phần Hồng nhi thiếp lo được.” –  Văn phu nhân vẫn cương quyết thuyết phục chồng, cho dù thế nào thì bà cũng sẽ bảo vệ cho Hồng nhi.

“Nàng đã có đối sách?” – Văn lão gia hớp một ngụm trà đã nguội lạnh từ lâu, ngài biết vợ mình là người thông minh, chỉ mong bà đừng dùng đến hạ sách.

“Thiếp sẽ vẫn giữ Hồng nhi ở lại, chúng ta sẽ đổi họ cho nó. Thiếp sẽ cho người xuống quê nhà rước thím Ân cùng Quốc nhi lên đây, giả vờ như Hồng nhi là đệ đệ của Quốc nhi. Có thể che đi cái thân phận thật sự của Hồng nhi phần nào, lại có thể báo đáp công nuôi dưỡng của thím Ân đối với thiếp và con. Tiện cả đôi đường.” – đôi mắt Văn phu nhân đột ngột sáng lên, bà đứng dậy tiến lại phía chồng, bàn tay mềm mại nắm lấy tay Văn lão gia. – “Chàng có tin thiếp không?”

“Được, ta tin nàng. Việc này cứ để nàng làm chủ.” – Văn lão gia xét thấy vợ mình nói cũng có chí lí, đối sách này không hẳn đã là thượng sách, nhưng ít nhất vẫn có thể che mắt thiên hạ phần nào. Quốc nhi là đứa hiểu chuyện, tuy có hơi thô lỗ nhưng có thể lên đây học hành luyện võ cùng với Nghiệp nhi, chăm sóc cho hai đứa em nhỏ.

.

.

.

Trong lúc phu nhân và lão gia bàn bạc chuyện của Hồng nhi, thì trong này Nghiệp nhi và đứa nhỏ đó đã cùng nhau tắm rất vui vẻ. Hai đứa trẻ làm nước văng tung tóe khắp phòng, báo hại Thanh tỉ cùng Vân tỉ phải lau dọn nước trên sàn nhà. Hai đứa trẻ cứ vô tư tắm táp đùa giỡn cho đến gần giờ ăn trưa. Thanh tỉ nhấc thiếu gia và Hồng nhi ra khỏi bồn tắm, rồi cùng Vân tỉ dùng khăn lau khô người cho hai tiểu tử, sau cùng là giúp nhị vị “nghịch thần” vận y phục chỉn chu mới dắt ra dùng bữa.

“Tên đầy đủ của Hồng nhi là gì?” – Nghiệp nhi hỏi trên đường đến phòng ăn.

“Thôi Tuấn Hồng ạ” – Hồng nhi mỉm cười tươi rói.

“Ta là Văn Chung Nghiệp, năm nay ta vừa tròn 6 tuổi. Thế còn Hồng nhi?”

“Hồng nhi năm nay 5 tuổi ạ. Thế là Hồng nhi phải gọi người là Nghiệp ca ca rồi.” – Hồng nhi đếm đếm mấy ngón tay của mình, chìa ra trước mặt Nghiệp nhi năm ngón tay be bé xinh xinh.

“Ừ, Hồng đệ đệ. Ta mau mau đến phòng ăn kẻo phụ mẫu lại lo.” – Nghiệp nhi dắt tay Hồng nhi không rời, cùng với đứa nhỏ chạy nhanh đến phòng ăn, làm cho hai tỉ tỉ đi phía sau phải mệt thêm bận nữa.

.

Trong suốt cả bữa ăn, nhà họ Văn bị bao trùm bởi một không khí im lặng lạ thường. Nghiệp nhi hôm nay ngoan ngoãn ngồi ăn không mè nheo đòi hỏi, nó cũng là đứa hiểu chuyện, nhận ra chút không khí khác thường thì im thin thít không dám hé miệng. Văn phu nhân luôn tay gắp thức ăn cho con mình và Hồng nhi, Văn lão gia lại có chút trầm tư hơn thường ngày, đến cả gia đinh cũng thấy có chút khác lạ.

“Hồng nhi, tại sao con không ăn cá?” – Văn lão gia hỏi, tiện tay gắp một miếng cá cho vào bát của Hồng nhi.

“Vâng, con cảm ơn lão gia.” – Hồng nhi vẫn còn sợ, lần đầu ăn ở một nơi sang trọng thế này, lại được người khác tận tình hầu hạ nên ngại, người ta cho gì thì ăn nấy, không dám ý kiến.

“Nghiệp nhi sau này phải ráng bảo vệ Hồng nhi cho tốt biết không? Ăn rau nhiều vào.” – Văn lão gia lại quay sang nói với Nghiệp nhi, ngài gắp cho nó một miếng rau cải.

“Con biết ạ.” – Nghiệp nhi vui vẻ trả lời, nó đâu biết cha nó có ẩn ý đằng sau câu nói ấy.

“Vài hôm nữa Quốc ca ca và vú Ân lên đây, con phải cố gắng chăm chỉ để không phụ lòng vú được không?” – Văn phu nhân hiền từ nói.

“Thật ạ? Quốc ca ca và vú Ân sẽ lên đây ạ?” – Nghiệp nhi nhớ Quốc ca ca, nhớ cả vú Ân ngày trước đối đãi rất tốt với nó. Nghiệp nhi nghĩ đến hai người họ, mắt cứ long la long lanh lên còn miệng thì cười toe toét.

“Quốc ca ca và vú Ân là ai?” – Hồng nhi ngơ ngác hỏi Nghiệp nhi.

“Khi nào họ đến ca ca sẽ giới thiệu cho đệ biết.” – Nghiệp nhi với tay gắp rau cho vào bát của Hồng nhi – “Giờ thì ăn nhiều vào!”

Bữa ăn trôi qua nhanh chóng, Hồng nhi cũng đã bớt căng thẳng khi sống ở Văn phủ. Có lẽ thời gian sau này sẽ còn cùng với Nghiệp ca ca học hành luyện võ ở đây dài dài.

.

.

.

Hôm thím Ân dẫn con trai lên gặp phu phụ họ Văn, Nghiệp nhi mừng rỡ ôm chầm lấy Quốc nhi, cả thím Ân cũng vui vẻ trò chuyện với Văn phu nhân. Quốc nhi là một đứa trẻ khoảng chừng 10 hay 11 tuổi gì đó, làn da ngăm ngăm đen, khá là cao và to con. Cậu bé vận một bộ quần áo cũ đã bạc màu, tay nải đeo trên vai, nhưng dù có trông dơ bẩn cỡ nào cũng có một chút gọi là gọn ghẽ. Bên cạnh cậu bé là thím Ân, trông có vẻ như đã già, khoảng chừng là ngoài 50. Nghiệp nhi giới thiệu Hồng nhi với mọi người, Quốc nhi có vẻ cũng thích đứa nhỏ đó.

“Thím Ân, con có chuyện muốn nhờ người.” – Văn phu nhân kính cẩn mời thím Ân ngồi xuống bàn đá ngoài sân, ra hiệu cho gia nhân rót trà. Văn lão gia cũng thư thả ngồi xuống, để cho trẻ con chúng nó chơi với nhau.

“Xin phu nhân cứ nói, cái thân già này có thể giúp thì sẽ giúp.” – thím Ân ngại ngần hớp một ngụm trà ấm.

“Con muốn người chăm sóc cho Hồng nhi và Nghiệp nhi. Người có thể chăm sóc cho Hồng nhi dưới danh nghĩa một người mẹ được không?” – Văn phu nhân e dè mở lời, chỉ sợ thím Ân biết chuyện lại không đồng ý.

“Đứa trẻ đó có phải là con trai của…” – thím Ân lấp lửng lời nói, vẻ mặt thím nửa sợ sệt nửa cảm thương nhìn về phía Hồng nhi.

“Vâng, người đã đúng. Vì thế mà chúng con mới nhờ người việc này, bọn chúng không biết rõ dung mạo của người, lại không biết người có bao nhiêu đứa con trai.” – Văn phu nhân tiếp lời.

“Già hiểu già hiểu. Nhưng già chỉ sợ Quốc nhi nó không đồng ý.” – thím Ân đưa mắt nheo nheo nhìn đứa con nuôi của mình.

“Mấy đứa nhỏ cứ để con sắp xếp, chỉ cần người đồng ý.” – Văn phu nhân vốn đã sắp xếp ổn thỏa, chỉ cần thím Ân đồng ý thì cho dù khó cách mấy bà vẫn sẽ thuyết phục được Quốc nhi.

“Thôi được, già đồng ý giúp phu nhân.” – thím Ân cuối cùng cũng gật đầu đồng ý.

“Vậy được rồi!” – Văn lão gia thở ra nhẹ nhõm. Ngài đứng lên lại chỗ mấy đứa nhỏ đang chơi đùa rất vui vẻ, dặn dò từng đứa.

“Thúc thúc, thúc muốn con làm gì ạ?” – Quốc nhi là đứa hỏi đầu tiên.

“Quốc nhi, thúc muốn con trở thành ca ca một nhà với Hồng nhi. Nghĩa mẫu của con đã đồng ý cho Hồng nhi mang họ Phương giống như con, con có đồng ý không?” – Văn lão gia xoa đầu Quốc nhi, từ tốn nói.

“Hồng nhi ạ? Nếu thế thì chúng con sẽ được chơi với nhau mỗi ngày phải không ạ?” – Quốc nhi chùi chùi cái tay dơ vào áo, tiếp tục hỏi.

“Phải, hai đứa sẽ cùng nhau chơi mỗi ngày.” – Văn lão gia mỉm cười.

“Vậy thì con đồng ý.”

“Không được. Hồng nhi là của con, mẫu thân đã nói vậy rồi mà” – Nghiệp nhi bĩu môi nhìn phụ thân, Văn lão gia nhìn thấy điệu bộ đó mà cố nén cười, nói với con mình.

“Ai bảo Hồng nhi không phải là của con? Hồng nhi chỉ đổi họ thôi mà, sau này Quốc ca ca ở đây luôn, ba đứa có thể cùng chơi với nhau.” – Văn lão gia giải thích.

“Vì sao phải đổi họ ạ?” – chính câu hỏi này của Hồng nhi khiến cho Văn lão gia không biết phải trả lời thế nào cho đúng. Trong một phút, ngài lưỡng lự không biết nên nói thế nào.

“Vì chúng ta không thể để con mang họ Văn. Nếu để cho người ngoài biết được con xuất thân từ một đứa trẻ ăn mày mà được bước vào Văn gia làm con nuôi, thì hẳn là con sẽ gặp nhiều khó khăn.” – ngay lúc này, Văn phu nhân như một vị cứu tinh, đến giúp Văn lão gia giải đáp thắc mắc của Hồng nhi.

“Vậy từ nay tên con là Phương Tuần Hồng?” – Câu nói đó của Hồng nhi khiến cho phu phụ Văn thị không khỏi đau lòng. Quý tử duy nhất của Thôi đệ đệ nay lại phải sống ẩn mình dưới cái họ của một gia đình khác, không thể ngẩng cao đầu cho thiên hạ biết mình là Thôi Tuấn Hồng – con trai độc nhất của Thôi Thủy Nguyên.

“Phải, từ nay tên con là Phương Tuấn Hồng và con là con nuôi của thím Ân, giống như Quốc ca ca.” – Văn phu nhân cứng rắn đáp lại lời đứa nhỏ.

“Con mau gọi nghĩa mẫu đi.” – Văn lão gia cảm thấy bầu không khí dần trở nên căng thẳng, liền lên tiếng phá vỡ.

“Nghĩa mẫu” – Hồng nhi nhìn thím Ân, bỗng nhiên chạy lại ôm chặt lấy thím ấy, miệng gọi hai từ “nghĩa mẫu”.

“Hồng nhi ngoan!” – thím Ân vỗ vỗ vai đứa nhỏ.

Văn phu nhân nhìn Văn lão gia, cảm thấy thật nhẹ nhõm. Từ nay trên đời này không còn tồn tại đứa trẻ nào tên Thôi Tuấn Hồng nữa, không còn tồn tại đứa trẻ nào là con trai của Thôi Thủy Nguyên nữa.

***

Bẵng đi 12 năm, ba đứa nhỏ ngày nào cũng đã trở thành thanh niên anh tuấn. Văn phu phụ lẫn thím Ân đều lấy làm vui mừng, tự hào về những đứa con nhỏ của mình. Phương Long Quốc, Phương Tuấn Hồng lẫn Văn Chung Nghiệp đều tinh thông võ nghệ, văn nhớ sử ghi. Văn lão gia những tưởng bình yên trong mười mấy năm qua sẽ tiếp tục kéo dài cho đến cuối đời, ai ngờ chiến tranh trong nội bộ triều đình lại một lần nữa trỗi dậy sau 20 năm yên bình.

Năm ấy, vua Chung Vân đời thứ 18 của nhà họ Kim cùng hoàng hậu bị thích khách ám sát. Vua Chung Vân vật lộn hàng giờ liền với cái chết, nhưng cuối cùng cũng phải trút hơi thở ra đi trước sự thương tiếc của cả triều đình và thần dân toàn đất nước. Trước khi đi, ngài đã căn dặn quan thần triều đình, lập thái tử Kim Đông Huyền làm vua, cùng nhau xây dựng đất nước phát triển. Kim Đông Huyền lúc bấy giờ mới chỉ là cậu bé 10 tuổi không hiểu chuyện, lại không còn ai thân thích làm cố vấn chỉ dạy, nay được cất nhắc lên làm vua khiến cho triều thần có ý làm loạn. Triều Kim nhanh chóng bị lật đổ, tuyệt hậu ở đời thứ 19, vua Đông Huyền bị giết chết ngay trong tẩm cung. Được thời, gian thần lộng hành, quan lại cướp bóc của cải, đất đai của dân. Binh lính chia phe giết chóc lẫn nhau, một số lại ôm của cải trộm được mà bỏ chạy. Trung thần biết tình thế nguy cấp, muốn mau chóng lập một người lên làm vua, nhưng cuối cùng lại bị đám quan gian giết hết sạch. Chiến tranh giữa các phe phái nổ ra khắp mọi nơi, đời sống nhân dân khốn đốn vô cùng.

Trước tình hình lúc này, Văn lão gia ngồi nhà mãi không yên. Bên ngoài có rất nhiều người chết, nhà cửa các nơi ngập trong biển lửa, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than. Văn lão gia cả ngày đi đi lại lại trong phòng đọc sách, suy nghĩ tìm ra đối sách lúc này. Năm xưa cũng vì nhất thời nông nỗi không đồng ý với đức vua mà cởi bỏ quan phục trở về Ngô Châu nối nghiệp làm ăn của gia đình, bây giờ vua mất, triều thần làm loạn, Văn lão gia khó lòng mà can ngăn. Nhớ lại lời Lý Quốc sư năm xưa, Văn lão gia lại càng không an tâm.

“Lão gia, người đã không ăn không ngủ 3 ngày liền rồi. Ta nghĩ người cũng nên nghỉ ngơi một chút, không lại kiệt sức mà ngã bệnh.” – Văn phu nhân đẩy cửa bước vào, trên tay là khay thức ăn nóng đã chuẩn bị sẵn.

“Ta không đói, nàng mang ra ngoài đi.” – Văn lão gia tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, mới có mấy ngày mà ngài đã ốm đi nhiều quá.

“Lão gia, nếu người không ăn thì làm sao có sức để tiếp tục. Nghe lời thiếp, cố ăn một chút. Thiếp đã đích thân xuống bếp hầm canh cho người bồi bổ.” – Văn phu nhân đặt khay gỗ xuống bàn sách, tiếp tục khuyên lão gia.

“Được, ta nghe lời nàng.” – Văn lão gia không muốn vợ mình uổng phí công sức, ngồi xuống uống vài muỗng canh cho qua chuyện.

“Lão gia đã nghĩ ra kế sách gì chưa?” – Văn phu nhân hỏi.

“Vẫn chưa. Ta đã suy nghĩ suốt ba ngày qua, nhưng vẫn chẳng có kế sách nào là thập toàn vẹn lưỡng. Ta thật sự rất đau đầu.” – Văn lão gia lắc đầu thở dài, bao nhiêu công sức học tập thời còn trẻ bây giờ lại chẳng thể dùng vào việc gì.

“Vậy còn lá thư tuyệt mệnh của Thôi đệ đệ, người đã mở ra chưa?” – Văn phu nhân chợt nhớ ra, vội vã nói với phu quân. Có lẽ là Văn lão gia đã mở rồi, bà nhắc cũng chỉ bằng thừa.

“Ta đã mở, nhưng bức thư ấy hoàn toàn chỉ là giấy trắng, bên trong không có gì cả.” – Văn lão gia thở dài, ngài những tưởng Thôi đệ sẽ để lại chút gì đó gợi ý cho ngài, nhưng thực chất chỉ là một tờ giấy trắng rỗng tuếch.

“Người đưa ta xem, biết đâu trong ấy có huyền cơ.” – Văn phu nhân không tin rằng Thôi đệ đệ lại chỉ để lại mỗi một tờ giấy trắng, bà tin chắc trong ấy có bí ẩn, chỉ là do Văn lão gia không nhìn ra.

“Đây.” – Văn lão gia lôi trong áo ra một bìa thư cũ nhàu nát đã xỉn màu, đưa cho phu nhân xem qua – “Nàng xem, chẳng có gì cả.”

Văn phu nhân mở bức thư ra, đúng như lão gia nói, bên trong chỉ là một tờ giấy trắng. Phu nhân lật tới lật lui hai mặt của tờ giấy, vẫn chẳng tìm ra chút dấu tích hay huyền cơ nào.

“Lạ thật!” – phu nhân thốt lên.

“Ta nghĩ tốt hơn là đem bức thư này bỏ đi cho rồi, nó chẳng có ý nghĩa gì cả.” – Văn lão gia cảm thấy vô dụng, ngài giựt lấy bức thư ném ra ngoài cửa sổ.

Đúng lúc ấy, Phương Tuấn Hồng đi ngang qua. Nó cúi xuống nhặt tờ giấy xỉn màu ngay dưới cửa sổ phòng sách lên, nhíu mày lẩm bẩm đọc.

“Hồng nhi, con đứng đó làm gì?” – Văn phu nhân từ bên trong nhìn ra thấy Phương Tuấn Hồng trên tay cầm một tờ giấy, mặt mày nhăn nhó, mồ hôi đầm đìa.

“Con vừa luyện võ xong, định về phòng tắm rửa cho sạch sẽ rồi thay y phục xuống phố với các ca ca. Đi ngang phòng sách con lượm được cái này, có phải là của lão gia không ạ?” – Phương Tuấn Hồng đưa cho Văn lão gia thứ nó vừa nhặt được. Lão gia thất kinh nhìn mảnh giấy, rõ ràng là lúc nãy không có một chút văn tự, nay bỗng dưng hiện ra hai dòng thơ.

“Phu nhân, nàng nhìn xem!”

Quốc vận suy thoái, quan lại tham ô – Tam tử Văn Phương chính là thống soái dẹp yên đất nước.Có phải ý là muốn chỉ Nghiệp nhi, Hồng nhi và Quốc nhi?” – Văn phu nhân đọc lên hai dòng thơ đó, cau mày suy nghĩ. “Tam tử Văn Phương”, chẳng phải là chỉ ba đứa trẻ họ Văn và họ Phương, nhưng làm sao Thôi đệ đệ biết con mình sẽ đổi tên như thế?

“Thôi, ta hiểu rồi. Ngày mà ta lo lắng nhất cuối cùng cũng đã đến.” – Văn lão gia chỉ nói một câu như thế, sau đó ngài đứng lên ra ngoài.

Hết chương 1.

 

Chú thích nhân vật:

– Thôi Tuấn Hồng/Phương Tuấn Hồng: Choi Jun Hong/Bang Jun Hong

– Văn Chung Nghiệp: Moon Jong Up

– Phương Long Quốc: Bang Yong Guk

– Thôi Thủy Nguyên: Choi Si Won (Super Junior)

– Kim Chung Vân: Kim Jong Woon (Super Junior)

– Kim Đông Huyền: Kim Dong Huyn (Boyfriend)

Like this story? Give it an Upvote!
Thank you!

Comments

You must be logged in to comment
No comments yet