1/1

[Drabble][BangHim][K] Tôi. Em. Chúng ta.

Ngày X tháng Y năm Z.

Hàng xóm cũ của tôi.

Năm nay hẳn em cũng đã khoảng 28 tuổi. Chúng tôi gặp nhau vào những ngày tháng ba đã cũ, khi em theo mẹ chuyển đến ở cạnh căn nhà tồi tàn của tôi. Tôi nhớ lúc đó chúng ta chỉ là những đứa trẻ nghèo đói ngày được ăn ba bữa đã là hạnh phúc chứ đừng nói đến chuyện no đủ. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày em theo mẹ đi chào hàng xóm xung quanh. Lúc đó em bé nhỏ, và vô hại. Một thằng nhóc khoảng chừng tầm tuổi tôi, khuôn mặt sợ sệt mọi thứ, em chìa tay ra chia cho tôi một nửa củ khoai lang vừa luộc còn nóng hổi. Tôi đã hỏi em tại sao chỉ là nửa củ, em bảo với tôi là vì em đói quá nên lỡ ăn mất rồi. Những ngày cũ kĩ ấy, chúng ta đã từng nghèo đói như thế, liệu em có nhớ không?

Còn tôi thì nhớ. Tôi nhớ tất cả những ngày ấy. Những ngày khi mà bọn khốn nạn đầu đường xó chợ đến đòi nợ đòi luôn cả dở bay căn nhà ọp ẹp của tôi ra. Những ngày khi mà tôi phải lén trốn lọt vào trường vì không có đủ tiền đi học. Những ngày khi mà chúng ta chia cho nhau những mẩu vụn bánh mì bé xíu xiu nhem nhuốc dưới ánh đèn đường mờ ảo. Những ngày ấy, và nhiều ngày nữa. Tôi đều nhớ rõ. Khi cái nghèo đã trở thành nỗi ám ảnh sâu trong tiềm thức của bọn trẻ con khu ổ chuột, thì những thứ giống như đi học, và đồ ăn cũng trở thành những thứ xa xỉ.

Những ngày còn bé, bọn nhỏ trong khu gọi tôi là “đại ca”. Chẳng phải vì tôi giang hồ gì, mà tại vì tôi lớn nhất khu đó, cũng thuộc dạng “giàu” nhất ở khu đó. Lúc em mới chuyển đến, bọn nhỏ cứ thế mà bắt nạt em bởi vì nhìn em quá trắng trẻo lại còn ra dáng cậu chủ nhỏ. Nhưng rồi khi đó tôi đã tuyên bố em là “vợ” tôi tức là “đại ca phu nhân” nên không ai được quyền bắt nạt em nữa. Thế là bọn nó im luôn.

“Vợ là cái gì?” – em đã hỏi tôi như thế.

“Anh cũng không biết nữa.” – tôi gãi gãi đầu. Lúc đó thì tôi không biết từ đã nghĩa là gì nữa, mà thấy trong mấy vở tuồng hay diễn ở chỗ tôi đi đánh giầy bữa trước người ta gọi nhau vậy đấy.

Em gọi tôi bằng anh, là bởi vì em không biết tôi chỉ lớn hơn em có 19 ngày. Nhưng là cho dù sau này em đã nhận ra điều đó, thì chúng tôi, vì vốn đã quen kiểu xưng hô anh-em như thế, cũng khó có thể chỉnh lại được.

Tôi nhớ cả tuổi thơ ngọt ngào nhưng đầy sóng gió của chúng ta. Khi em lần đầu tiên lon ton theo tôi học cái nghề đánh giầy cho mấy tay quý tộc giàu có mà hách dịch, em – mặt mũi lấm lem si – mỉm cười toe toét chìa bàn tay nhơ nhuốc ra khoe mấy đồng kim loại sáng lấp lánh với tôi. Kể cả những lần em làm không theo ý khách, người ta đá em văng ra xa, tôi cũng đều nhớ rõ. Những ngày như thế, tôi đều đã hỏi:

“Sao em không làm theo ý của người ta?”

“Em đánh giầy chứ đâu phải làm tôi tớ đâu mà phải khom lưng cho người ta miệt thị hả anh?” – đến cả sau này tôi vẫn nhớ mãi câu nói đó, câu nói của một thằng nhóc độ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Câu nói của một thằng nhóc trạc tuổi tôi.

Lúc ấy, em đã chẳng còn là thằng bé lần đầu dọn đến với nửa củ khoai lang nóng hổi nữa, mà em đã trở thành một ai đó khác mạnh mẽ hơn, hơn tôi tưởng rất nhiều.

Thoắt cái mấy năm trôi qua chúng ta đều đã trở thành những thanh niên 17, 18 tuổi. Tôi chuyển sang kéo xe bởi vì đánh giầy đã không còn phù hợp với những thanh niên như tôi nữa. Có hôm tôi kể em nghe chuyện người ta đưa địa chỉ bảo tôi đưa đến nhưng tôi không biết đọc chữ, thế là người ta trả ít tiền đi. Em biết chữ, em dạy tôi học. Em bảo 18 tuổi rồi, nếu kéo xe mà không biết đọc chữ hay có hiểu biết để đáp lại khách thì cũng không tốt. Em cùng tôi trải qua nhiều tháng, tôi nhẫn nại học mỗi ngày một ít, em kiên nhẫn dạy tôi từng chữ. Sau cùng tôi cũng có thể đọc rành rọt từng chữ, cũng không phải chính xác gì cho cam, đương nhiên vẫn sai, nhưng sau đó sẽ về hỏi em lại vậy.

Năm em 20 tuổi, chúng tôi gặp cảnh biệt ly. Năm ấy xảy ra đại nạn. Lũ lụt, rồi hạn hán, mất mùa cứ thế dồn dập. Mẹ tôi từ ngoài đồng về, ngán ngẩm lắc đầu. Bà cầm cái mũ rộng vành phe phẩy, chán chường nhìn ra phía xa xăm. Mẹ bảo, năm nay mất mùa, người ta trả ít tiền công, chúng tôi vẫn phải chịu đói. Cha tôi đi làm về, cũng chẳng khá hơn. Ông chìa tay đưa cho tôi mấy đồng lẻ, bảo ra đầu chợ mua ít khoai sắn dự trữ cho mấy ngày tới lỡ ông không được trả thêm tiền. Công việc kéo xe của tôi ở vùng quê nghèo này xưa giờ vẫn vậy, nếu ngày nào may mắn thì sẽ được nhiều cuốc xe, còn ngày nào xem như xui xẻo thì đành vác cái xe kéo ọp ẹp về nhà với hai bàn tay trắng. Có những hôm, tôi còn phải chịu những trận đòn do bị buộc tội là tranh khách với những thằng lành nghề. Những lần như thế, em đều chỉ giúp tôi bôi thuốc, nhỏ nhẹ thổi thổi lên vết bầm. Em bảo sau này đừng có cứng đầu tranh với người ta nữa. Ấy thế mà thoắt cái, chúng tôi phải chịu phân ly. Ngày lũ lụt kéo đến cuốn phăng mọi thứ tồi tàn trong khu xóm nhỏ, tôi chơi vơi giữa dòng nước, nhìn thấy em ôm miếng ván gỗ mục trôi ra xa. Tôi cố sức bơi đến chỗ mẹ, cha tôi đang cố nắm lấy tay bà. Tôi đẩy hai người về phía chiếc xuồng đóng gỗ để dành cho mùa lũ của thím Hai, nói với hai người rằng tôi phải qua kia mang em về cùng nữa, chắc như đinh đóng cột. Nhưng rồi khi tôi thấy em an toàn bám lấy thân xuồng, tôi nhận ra mình đang chìm dần xuống. Tôi biết là em đang gào tên mình, tôi cũng biết là em đã đưa tay ra cho tôi nắm lấy. Mà tôi không tài nào làm nổi. Tôi cứ thế chìm xuống dòng nước dữ, và tôi cứ thế trôi xa khỏi em.

Ấy vậy mà thoắt cái cũng đã gần 10 năm trôi qua, em bé xíu ngày nào giờ đã đứng trước mặt tôi đây. Vẫn nhỏ bé, vẫn cô đơn. Nhưng em trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn hơn gấp trăm ngàn lần lúc trước.

Kim Him Chan…

Tôi gọi tên em trong lặng lẽ. Tiếng gọi của tôi như bị đám đông ồn ã xung quanh nuốt chửng mất. Họ cũng kêu gào tên em. Họ gào lên đòi quyền bình đẳng cho công nhân nhà máy. Tôi hòa vào dòng người mỗi lúc một nhiều thêm tiến vào trong từ cổng chính của công ty. 10 năm rồi và em đã lấy lại được cơ nghiệp của gia đình. Em về nhà với cha em. Em trở thành người thừa kế độc tôn của dòng họ. Mà sao em lại tiếp tục như cha mình, tiếp tục tàn nhẫn và vắt kiệt sức lao động của những người em thuê.

Nếu như em biết trong số họ còn có tôi nữa, thì em có dừng lại không?

Trời đã gần sụp tối. Xung quanh ồn ào náo nhiệt vẫn tiếp tục hò hét hô hào. Tôi nhìn đi nhìn lại cũng chẳng thể tìm ra một khuôn mặt thân quen. Chợt nhận ra bản thân mình không hẳn lạc mà đã lạc. Không hẳn lạc, vì tôi biết đường về nhà. Mà đã lạc, vì tôi không biết cách nào để chạm ngõ trái tim em.

Và Kim Him Chan, em biết không. Khi em còn nhỏ, em đã rất dũng cảm chống lại bọn giàu có bắt nạt đám trẻ cùng thôn. Rồi khi em lớn lên, em trở thành một người trong số bọn giàu có đó. Tôi phải nói gì đây? Chỉ cần được gặp em một lần thôi, để hỏi đường tìm gặp được bố mẹ mình, rồi tôi sẽ đưa họ về quê. Tôi sẽ để em lại với chốn phồn hoa của em, em nhé. Bởi vì giờ em cũng đã bị tha hóa mất rồi!

Em cứ xem như chúng ta là hàng xóm cũ thôi, chỉ vậy là được rồi nhé?

Từ một công nhân vừa bị bảo vệ của em đánh gãy chân.

Bang Yong Guk

 

Mọi nỗ lực để tìm ra chàng trai đã gửi bức thư này đến giám đốc điều hành Kim Him Chan đều tuyệt vọng…

Bởi vì anh ấy đã chết, rất lâu rồi.

End.

Like this story? Give it an Upvote!
Thank you!

Comments

You must be logged in to comment
No comments yet