[Extra][Himchan-Centric] Hamyang năm tôi hai mươi tuổi

[SERIES][YONGGUK-CENTRIC/BANGHIM][PG-15] NHỮNG CHUYẾN ĐI XA

Chuyện là năm nào tôi cũng đi Hamyang dự lễ hội táo. Táo ở đó rất ngon, cảnh cũng rất đẹp. Hơn nữa, chỗ đó lại là ngoại ô. Với một người thích táo ngon, khung cảnh nên thơ và không khí yên tĩnh như tôi, thì Hamyang là một nơi rất tốt. Nhưng tồi tệ thay, đã gọi là lễ hội thì làm sao ít người được.

Đó là năm tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi đã là người lớn, nhưng tôi vẫn chưa muốn trưởng thành. Tôi quá chán nản với cuộc sống hiện tại, về ngành học, về những mối quan hệ với mọi người, về tương lai sau khi bị đá ra khỏi đại học. Sẵn đây, tôi học khoa Quản trị, chuyên ngành quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành. Tôi thi vào đại học vì tôi nghĩ mình nên, và bố mẹ tôi cũng muốn tôi có bằng đại học đàng hoàng, vậy thôi. Nói thật, tôi thi vào ngành đó vì tôi muốn được đi nhiều hơn để mở rộng tầm mắt của bản thân. Nhưng đáp lại tôi chỉ là mớ lý thuyết khô khan qua những cuốn sách giáo khoa về Triết học nhàm chán và khó nhằn, hay những lời hứa về việc đến đầu năm ba sẽ được đi thực tập. Tôi đã học năm ba đại học được hai tháng, vẫn chẳng có ai đá động đến thực tập cả. Tôi mau chán, vì vậy mà việc tôi lết lên được năm ba đã là một kì tích rồi.

“Cậu đi thật à? Một mình?” – Yong Guk, một thằng bạn của tôi, đã hỏi tôi như vậy.

Ừ, tôi sẽ đi mà. Tôi đã chọn rồi, lịch trình đã lên, thậm chí nhà nghỉ cũng đã đặt trước. Sau khi suy nghĩ kĩ, tôi quyết định xin nghỉ bốn ngày để đi du lịch.

Nhưng thực ra gọi Yong Guk là một-thằng-bạn cũng không được đúng cho lắm.

“Nhưng chỗ đó chỉ cách thành phố hai tiếng đi xe buýt thôi mà, sao phải ở lại tận hai đêm?” – cậu ta lại hỏi.

Đúng. Nơi tôi chọn đi chính là Hamyang, ở đó tháng tư hằng năm sẽ diễn ra lễ hội táo. Và quan trọng là chỗ đó chỉ cách Seoul này hai tiếng đi buýt, nếu không kẹt xe và gặp trục trặc trên đường.

Vì tớ không có nhiều tiền cho một chuyến đi xa. Lúc ấy, tôi thật sự đã rất muốn nói như vậy. Nhưng không hiểu sao, tôi lại không thốt nên những lời đó. Tôi chỉ đơn giản là xếp đồ đạc vào ba lô. Có thể lúc ấy tôi đã nghĩ, hay thôi giữ kín lý do để Yong Guk tức chơi. Nhưng nhiều năm sau, khi đã đến Hamyang rất nhiều lần nữa vào mùa táo, tôi lại nhớ ra lý do thực sự không trả lời câu hỏi đó. Vì tôi không có nhiều điều kiện. Vì tôi không giống như Yong Guk, không có nhiều tiền để đi phượt xa. Ở cái tuổi 20, khi cậu ta đang vừa học đại học vừa bán những sáng tác âm nhạc của mình với giá triệu won và có tiền đi du lịch, thì tôi vẫn đang sáng sáng lên giảng đường, tối tối lại đi chạy bàn cho một quán ăn nằm ở quận Mapo để kiếm thêm tiền đi học. Điều đó làm tôi tự ti. Nói đúng hơn là, tôi thấy giận bản thân mình sao lại bất tài như vậy.

“Dọn đến sống cùng tớ đi!” – có một lần Yong Guk đã hỏi tôi rồi. Và giờ, cậu ta hỏi lại.

“Căn trọ ở đây của tớ cũng ổn mà. Không cần phải phiền đến cậu.” – tôi thẳng thừng từ chối. Tôi biết điều đó có thể làm cậu ta tổn thương lòng tốt, nhưng tôi quá tự ái để dọn đến sống ở nhà riêng của một người bạn. Nhất là khi căn nhà ấy được mua từ chính tiền của cậu ta và anh chị cậu ta làm ra.

“Cậu sẽ không phải trả tiền thuê nhà. Cậu sẽ có nhiều tiền để đi xa hơn.” – Yong Guk lại nói, cố gắng thuyết phục tôi. Và tôi biết, cậu ta đang đạp đổ tự tôn của tôi. Với tôi lúc đó, có còn gì hơn khao khát được một lần đi du lịch xa khỏi nơi tôi đang sống cơ chứ!

“Làm phiền anh chị lắm.” – tôi phẩy tay, xếp nốt đống nhu yếu phẩm vào ba lô.

“Tháng sau chị Natasha dọn ra riêng với bạn trai rồi, anh Yong Nam sẽ qua ở phòng chị ấy. Cậu có thể dọn đến chung phòng với tớ.” – Yong Guk tiến đến kệ sách, lôi xuống quyển sách giáo khoa Triết học mà tôi vốn ghét.

Tôi buộc phải suy nghĩ. 18 tuổi, một mình tôi lên Seoul. Không người thân. Không người quen. Không biết đường xá. Không thuộc bất cứ bài hát nào mà bọn thành phố hay nghe. Tôi đậu vào đại học Seoul, thuê được một căn trọ tồi tàn gần trường, ở ghép với hai người khác, gồng mình chống chọi với bao nhiêu khó khăn, từ tiền nong, cơm áo, đến những mối quan hệ trong trường học. 19 tuổi, tôi gặp lại người bạn học sơ trung của mình. Nhưng tôi chỉ biết cậu ta học chung lớp sơ trung, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Cậu ta luôn đứng đầu còn tôi thì chỉ là một thành viên không nổi bật của lớp. Vậy mà cậu ta giúp tôi tìm một căn hộ ở Mapo, rồi việc làm, giúp tôi rất nhiều thứ. Người bạn đó là Yong Guk. Vì vậy mà tôi buộc phải suy nghĩ, có nên tiếp tục nợ cậu ta nữa hay không.

“Được rồi. Vậy tháng sau tớ dọn sang.”

Với tôi lúc đó, có còn gì hơn là đến ở cùng phòng với Yong Guk đâu.

.

Tôi bắt chuyến xe sớm nhất lên Hamyang. Kì nghỉ mùa xuân đã kết thúc từ rất lâu rồi nên ngoài đường đầy những học sinh mặc đồng phục đi học, trong khi tôi đang ngồi trên xe buýt và thực hiện chuyến du lịch đầu tiên, bằng tiền do chính mình làm ra và dành dụm. Không phải là cái gì đó đáng tự hào, nhưng ít nhất, tôi thấy mình đang sống.

Hamyang đón tôi bằng những vườn táo. Đâu đâu cũng là cây táo, trải dài ra tít xa. Tôi đã ngủ quên một chút, đến lúc tỉnh dậy thì đã thấy xe đến Hamyang rồi. Những vườn táo sum suê trái chín. Có những vườn chưa kết trái, cánh hoa táo rơi đầy trên mặt đất, trở thành một vùng trắng xóa như tuyết. Mùi táo chín tỏa ra trong không khí. Và cái vị ngọt của những quả táo đỏ như đã chạm đến đầu lưỡi. Tôi đã từng thấy cảnh này trên tivi, qua những quyển tiểu thuyết lãng mạn, còn bây giờ, là lúc tôi chứng kiến bằng chính đôi mắt của mình. Không đẹp và thơ mộng như tôi tưởng.

Nhưng ít nhất. Vẫn đẹp.

Hai bên đường đi người ta bán đầy những loại trái cây, nhưng táo chiếm đa số. Tôi xuống trạm, đi bộ vào hostel. Tôi đã chọn được một nơi rất vừa ý cho những ngày ở lại Hamyang, một nơi gần khu tổ chức lễ hội, và giá cả hợp lý. Có thể trong đầu tôi, từ lúc bắt đầu lên kế hoạch đi Hamyang, đã toàn chỉ nghĩ đến tiền bạc, giá cả các loại. Nhưng, tôi còn cái gì để nghĩ về đâu, tôi đi một mình, và tôi cũng không dư dả gì nữa.

“Tớ đến nơi rồi.” – tôi gọi một cuộc điện thoại cho Yong Guk, chỉ để nói một câu ngắn ngủi như vậy. Cậu ta không có thói quen nói nhiều, hoặc ít nhất là sẽ không nói nhiều với tôi, nếu như cậu ta không phải là người khơi mào

“Hostel ổn chứ? Tớ thấy cậu lo lắng suốt.” – đầu dây bên kia vang lên giọng nhề nhệ như ông già. Tôi đoán là Yong Guk đã bị cuộc gọi này đánh thức. Bình thường giờ này cậu ta chưa dậy.

“Mọi thứ ổn, chỗ này được lắm.” – tôi thả mình lên giường. Grap giường thơm mùi mới giặt, chắc là họ vừa giặt để đón khách.

“Giường thế nào? Cứng hay mềm? Có chắc là cậu sẽ ngủ được ở đó không?” – Yong Guk có vẻ lo lắng. Cậu ta cứ y như một bà mẹ có con lần đầu xa nhà vậy.

“Giường êm lắm. Sẽ ổn thôi. Cảm ơn cậu.”

Tôi cúp máy. Tôi thì không chắc lắm đêm nay mình sẽ ngủ được. Vì tôi thường hay quá háo hức dẫn đến khó ngủ. Và khi lạ chỗ, tôi cũng không ngủ được. Những điều đó Yong Guk cũng biết.

Còn có một điều tôi không chắc nữa, đó là cậu ta thực sự xem tôi là gì.

 

“Này, cậu xem tớ là gì?”

Đêm đầu tiên ở Hamyang, tôi ra ngoài đi dạo, sau khi dùng bữa tối ở hostel. Tôi đến chợ đêm và đi một vòng. Người ta đã bắt đầu trang trí lại các sạp hàng để chuẩn bị cho lễ hội. Đó là điều duy nhất nơi này thông báo cho tôi biết rằng ngày mai lễ hội táo Hamyang sẽ diễn ra. Cuộc sống về đêm ở nơi này khá tẻ nhạt. Không giống như ở Mapo hay ở bất cứ quận nào khác của Seoul, Hamyang mang dáng vẻ yên tĩnh của những vùng ngoại ô thành phố. Buổi tối, những quán ăn sẽ thưa người hơn, vì người ta sẽ về nhà ăn cơm với gia đình, hoặc ít nhất là, ở nhà tự nấu ăn. Táo thì có khắp mọi nơi, từ trong vườn ra đến sạp hoa quả. Cũng phải, Hamyang là vùng trồng táo, lại còn đang là mùa sai quả và tổ chức lễ hội thu hút khách du lịch, vì thế mà đi đâu cũng thấy táo là điều đương nhiên. Tôi vốn thích táo từ bé. Những quả táo chín thơm căng mọng luôn là thứ hấp dẫn tôi nhất khu chợ nhỏ ở quê. Nhưng táo đối với tôi lúc ấy là xa xỉ. Chúng quá đắt so với những loại trái cây khác, vì vậy tôi không thể ăn quá năm quả táo trong một năm. Tôi đã thèm muốn một quả táo biết bao.

Giờ đây vây quanh tôi toàn là táo, nhưng sự thèm muốn một quả ấy đã không còn mãnh liệt như hồi bé nữa. Có lẽ khi tôi lớn lên, tôi đã quên mất những giá trị đẹp đẽ mà mình từng tôn thờ. Tôi đã quên mất cái vị ngọt dịu của những quả táo, đã quên mất cái mùi hương tỏa ra khẽ khàng từ những quả táo, đã quên mất mình đã từng vòi mẹ mua cho nhiều như thế nào. Tôi đã như thế, đã thích táo đến biết bao nhiêu mà kể. Và rồi tôi nhận ra.

Tôi vốn thích táo từ bé, nhưng khi lớn lên rồi, tôi đâu có còn thích chúng như trước nữa. Đã là con người, thay đổi là điều không tránh khỏi.

“Cậu trai trẻ, có muốn một quả táo không?”

Trước khi tôi kịp nhận ra rằng mình đã đứng tần ngần trước một quầy táo quá lâu, bác chủ sạp đã ném cho tôi một quả. Việc tôi cần làm chỉ là chụp lấy nó.

“Bao nhiêu ạ?”

“Thôi cho cậu đó. Ngày mai nhớ đến ủng hộ gian hàng của bác nha.”

Một người phụ nữ trung niên tốt bụng.

Tôi nhìn quả táo đỏ căng mọng nằm gọn trong lòng bàn tay mình. Rồi tôi cảm ơn bác và đi tiếp. Tôi cứ đi xung quanh chợ như vậy cho đến khi nhận ra các sạp hàng đang thu dọn. Có vài chỗ đã tắt đèn. Đêm ở Hamyang không sôi động. Đến gần 10 giờ tối người ta sẽ dọn hàng dần dần và đóng cửa. Vì xung quanh đây toàn là vườn táo, cho nên cảm giác tách biệt với các nơi khác là rất rõ. Không gian yên tĩnh như thế này, thảo nào người ta đi ngủ sớm.

Đây có lẽ là nơi duy nhất còn mở cửa.

Tôi nhìn quanh, chỉ có mỗi chỗ này là vẫn chưa có dấu hiệu đóng cửa. Một quán rượu nhỏ nằm thụt vào trong so với mặt bằng chung của cả dãy nhà, có cái biển hiệu nhấp nháy lòe loẹt. Chắc là để gây được chú ý khi quán bị khuất như thế này.

Tôi nhắn cho Yong Guk cái tin. Rồi đẩy cửa bước vào.

“Xin chào quý khách.” – bên quầy rượu là chàng bartender mặc sơ mi trắng như trong mấy bộ phim. Cậu chàng trông còn khá trẻ, trạc tuổi tôi hoặc thậm chí nhỏ hơn. Quán thì cũng thuộc dạng đèn mờ, nên khuôn mặt hài hòa của cậu chàng bị ánh sáng nhập nhòe cường điệu hóa thành thu hút, có lẽ vậy.

“Trễ như thế này rồi mà vẫn có người đến sao?” – một cô nàng chân váy đen ngắn tủn ngồi trên cái ghế cao trước quầy bar. Cô đang bắt chéo chân, quay lại nhìn tôi khi thấy chàng bartender lịch thiệp cười chào. Trông cô cũng chẳng già dặn hơn bartender là mấy.

“Anh muốn uống gì?” – bartender hỏi tôi, khi cậu chàng đang đổ một thứ nước sóng sánh ánh xanh vào ly rượu của cô gái chân váy ngắn.

“À, cho tôi cái gì đấy ít cồn thôi được không?” – tôi ngồi xuống cách cô gái một ghết, ngại ngùng yêu cầu. 20 tuổi, tôi vẫn chưa uống nhiều. Vào những quán rượu đêm thế này lại càng ít.

“Anh đây có vẻ không uống rành nhỉ?” – tôi biết là cậu bartender đó đang cười cợt. Cậu chàng chỉ đơn giản là rót rượu từ một chai thủy tinh không nhãn vào ly rồi đẩy ra trước mặt tôi.

“Để tôi mời cậu ly đó.” – một chàng trai khác xuất hiện trong quán, từ hướng những cái bàn gần cửa sổ trong góc quán. Anh ta có thể đã ngồi đó khá lâu, trước cả khi tôi vào. Vì mùi rượu nồng nặc trên áo vét anh đang mặc.

“Cảm ơn.” – tôi chỉ đơn giản đáp lại. Tôi chẳng biết cậu bartender vừa rót gì cho tôi uống, có thể là cồn 90 độ pha loãng cũng được, người ta cũng hay làm thế khi bán rượu giả. Vị rượu cay nồng, có cảm giác như mỗi giọt rượu chảy qua cổ họng tôi là một lần cổ họng tôi khô cháy. Cổ họng tôi khá nhạy cảm, vì vậy mà tôi biết rượu tuy nhẹ, nhưng tôi vẫn không dừng được việc ho sặc sụa ngay khi hớp ngụm đầu tiên. Có lẽ là vì cổ họng tôi bất ngờ bởi vị gắt.

“Em về trước đây.” – cô gái chân váy đen tỏ vẻ chán khi có người khác xuất hiện trong quán rượu. Tôi đoán, cô đến đây để gặp người yêu, cũng là cậu bartender kia. Cô trèo khỏi ghế, nội y hằn lên qua độ bó sát, mông cũng gần như lộ ra qua độ ngắn của cái váy. Cô kéo váy xuống, rồi đỏng đảnh mở cửa bước ra. Ly rượu sóng sánh ánh xanh vẫn còn chưa vơi quá nửa.

“Trông cậu không phải người vùng này nhỉ?” – anh chàng mời rượu tôi tiến đến bên quầy bar. Ánh sáng mờ ảo khiến tôi nhìn ra anh ta rất rất đẹp trai, và thậm chí thu hút mắt nhìn hơn cả bartender. Anh ta có mùi giường của mấy nhà nghỉ không đứng đắn, và điều đó khiến tôi khó chịu. Anh ngồi xuống vị trí cô gái kia vừa ngồi, cùng với ly rượu sóng sánh ánh bạc trên tay.

So với hai người họ, ly của tôi nhìn giống như nước lọc cho thêm một viên sủi vào để tạo hiệu ứng sủi bọt.

“Tôi từ Seoul.” – tôi đáp gọn. Tôi vốn không thích nói nhiều với người lạ. Với những người đàn ông đẹp trai và có mùi nhà nghỉ như thế này, tôi lại càng không thích. Chính cái mùi đó đã nói tôi biết rằng người đàn ông này sẽ không đẹp trai và tử tế như tôi đang thấy.

“Tên tôi là Hyun Sun. Tên cậu là gì?” – anh ta hớp một ngụm rượu, tiếp tục nhìn tôi.

“Him Chan.”

“Cậu lạnh lùng quá đấy!” – anh ta cảm thán, thôi không nhìn tôi nữa. Tôi liếc sang, thấy anh ta chuyển sang vân vê vành ly rượu của chính mình, ánh mắt chăm chú.

Tôi cũng rất muốn nói gì đó, nhưng rồi không biết phải nói gì nữa. Tôi cứ im lặng như vậy uống nốt ly rượu rởm của mình. Nó là vodka pha loãng, hay whisky pha loãng, là rượu nếp, rượu gạo, hay chỉ đơn giản là cồn 90 độ pha loãng?

“Là rượu rhum puerto rico.” – bartender vừa lau mấy cái ly thủy tinh trên quầy, vừa nhìn tôi và trả lời. Tôi hơi đỏ mặt, suy nghĩ của tôi bị cậu chàng đọc thấu rồi.

Khi tôi uống hết ly, đồng hồ trong quán đã điểm 11 giờ kém. Tôi nghĩ mình nên về ngủ. Ra khỏi cửa rồi tôi mới nhớ ra mình đã nhắn tin cho Yong Guk, vì tôi rất hay để chế độ rung khi vào những nơi yên ắng như quán rượu không bật nhạc lúc nãy, nên cậu ta nhắn bao giờ tôi cũng không biết.

“Bạn.”

Một từ quá ngắn gọn so với một tin nhắn bị giới hạn bởi 160 kí tự.

Tôi tắt điện thoại và quay lại quán rượu.

Điều duy nhất tôi còn nhớ rõ cho đến giờ phút này là sự kinh nghiệm và khả năng kiềm chế của Hyun Sun. Anh ta mua một chai vodka từ quán rượu nhỏ đó và cùng tôi về hostel. Chúng tôi uống với nhau đến khi, tôi nghĩ là, bản thân mình đã say khướt. Tôi thì không hay say khướt như thế, nhưng tôi có một khả năng là có thể nhớ mang máng những việc mình đã làm khi đang say. Vì thế, sau một đêm, khi thức dậy và biết Hyun Sun đã rời đi rồi, tôi nhớ ra là mình đã nằm trên giường, chổng mông lên và xin xỏ một chút dục vọng. Nhưng cái khiến tôi ngạc nhiên là, Hyun Sun không vội vàng tụt quần mình xuống và nện tôi thật mạnh. Anh ta chỉ đơn giản là lật tôi lại, giúp tôi lau đi nước mắt rồi mới từ từ ve vuốt tôi. Thà tôi quên hết đi, nhớ lại những việc như này chỉ thấy bản thân thật đáng xấu hổ.

Tôi ngồi trên giường một chút nữa rồi vớ lấy điện thoại nằm giữa đống quần áo trên sàn nhà, mở nguồn lên. Có một tin nhắn của Yong Guk mà tôi chưa đọc.

“Cậu ngủ được chứ?”

Lúc hơn 1 giờ đêm, chắc là cậu ta cũng đã gọi điện để kiểm tra xem tôi ngủ chưa.

Tôi quyết định sẽ đi tắm, sau đó ra tham gia các hoạt động trong ngày đầu tiên của lễ hội táo. Tôi sẽ ở đây hết này đầu tiên và đến sáng ngày thứ ba mới về. Khi tôi vừa tung chăn và trần như nhộng ra khỏi giường, tôi mới phát hiện ra cơ thể tôi hoàn toàn sạch sẽ. Và tôi biết ơn Hyun Sun vì đã giúp tôi dọn sạch tàn tích của một cuộc say bí tỉ.

 

“Tớ đây. Xin lỗi vì đã làm cậu lo lắng nhé! Tớ đang tham gia lễ hội rồi. Tối qua điện thoại tớ hết pin lúc ở ngoài đường ấy mà. Nên tin nhắn cậu tới lúc nào tớ không hay. Tớ ngủ ngon lắm. Ở đây cũng vui nữa. Công việc của cậu sao rồi?” – tôi để lại một tin nhắn thoại của Yong Guk vì không gọi được. Chắc là cậu ta vẫn đang ngủ, hoặc để quên điện thoại rồi.

Tôi tham gia một cuộc thi hái táo. Tôi về nhì vì hái không nhanh bằng người về nhất nhưng táo tôi hái thì trông đẹp mắt và chất lượng hơn người về ba. Phần thưởng cho tôi là được giảm giá một nửa khi mua táo của đơn vị tổ chức cuộc thi. Tôi lựa một giỏ táo tươi, sau đó đặt người ta mang đến hostel tôi ở vào sáng sớm ngày mốt, để tránh bảo quản không tốt. Thời gian còn lại trong ngày, tôi đi loanh quanh tham quan các vườn táo và chụp ảnh. Tôi chụp rất nhiều ảnh hoa táo, vì chúng đẹp. Tôi cũng muốn mang về vài bông nữa, nhưng điều đó là không thể nên tôi chỉ có thể chụp thật nhiều ảnh. Tôi đi loanh quanh như vậy một phần là để tìm Hyun Sun. Tôi nghĩ là mình nên cảm ơn anh ta vì đã trả tiền rượu. Trông anh ta không giống như người ở đây, nên tôi nghĩ anh ta cũng sẽ là khách du lịch giống như tôi.

Vậy mà tìm cả ngày trời, cũng chẳng thấy anh ta đâu cả.

Mà còn nữa, ngày hôm trước đứng ở Hamyang thấy nơi này thật yên tĩnh, tôi đã nghĩ lễ hội ngày hôm sau chắc cũng không đông người. Nhưng không ngờ, hôm nay tự nhiên lại đông đến phát khiếp. Chẳng biết người ở đâu kéo đến mà nhiều thế, thậm chí hôm nay còn không phải cuối tuần. Khi tôi ngồi lại trong một quán ăn ven đường và mở điện thoại ra xem ảnh, tôi mới phát hiện ra những bức ảnh mình chụp toàn thấy người là người. Khó khăn lắm tôi mới kiếm được vài tấm ảnh thưa người trong Gallery. Và cũng thật may mắn, đó cũng là những tấm ảnh đẹp nhất mà tôi có thể gửi cho Yong Guk.

“Vậy thì hay quá!” – tin nhắn mới từ cậu bạn của tôi hiện lên. Cậu ta thậm chí còn không thèm gọi lại cho tôi một cuộc.

Tôi chán nản lần tìm danh bạ xem thử có ai mà hiện tại tôi có thể gọi nói chuyện phiếm trong lúc chờ người ta mang phần ăn của mình lên hay không. Mới có hơn 11 giờ sáng, bạn bè tôi giờ này hẳn đang trên giảng đường với hi vọng về một chuyến đi thực tập xa vời, còn mấy đứa nhóc trong câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống của tôi chắc đang lên lớp. Tôi kéo hết danh bạ một lượt, phát hiện ra mình đã lưu rất rất nhiều số. Cụ thể thì là 157 số liên lạc. Tôi không có thói quen chia nhóm danh bạ, vì như vậy phải lưu số trong bộ nhớ điện thoại. Trước đây khi tôi còn lưu liên lạc vào bộ nhớ, tôi làm hư điện thoại và mất trắng mọi thứ, trừ những số liên lạc đã ăn sâu vào trong não bộ của tôi, như số nhà, số bố mẹ, số chị, và số Yong Guk. Nên tôi quyết định sẽ chỉ lưu số vào sim.

Và giờ thì ở đây có 157 số, thậm chí có những cái tên tôi còn không nhớ ra là ai. Có thể là một người bạn tôi nhờ vả cộng tác trong một lần làm đề án cuối kì, có thể là một em khóa dưới xinh xắn muốn gia nhập câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống, có thể là bạn học chung trong lớp tiếng Anh cũ, có thể là con cháu gì đó của bạn của bố mẹ tôi mà tôi từng đi du lịch chung. Và thậm chí còn nhiều người khác như thế ngang qua cuộc đời và để lại cho tôi một dãy số cùng với một cái tên lưu trong danh bạ. Quan trọng là, không phải số nào tôi cũng liên lạc. Vì vậy mà tôi vẫn đang tiếp tục làm thêm một công việc nhàm chán, sau việc kiếm xem có ai đang rảnh như mình không, ấy là xóa bớt danh bạ.

“Phần ăn của quý khách đây ạ. Của mình có một set cơm trưa và một bánh táo nhỏ. Chúc quý khách ngon miệng.” – phục vụ bàn đặt phần ăn xuống bàn cho tôi, khi tôi vẫn đang mải mê xóa bớt danh bạ. Trông lướt qua thì anh ta quen quen.

“Hyun Sun?” – tôi nhìn theo bóng lưng người phục vụ, ngớ ra vài giây mới bèn gọi thử một cái tên.

“A… vâng?” – anh ta quay lại, dường như cũng còn nhớ tôi là ai – “Cậu…”

“Anh làm ở đây à?” – tôi hỏi, xã giao và vô duyên không tưởng.

“Ừ. Một lát tôi xong ca chúng ta nói chuyện sau nhé?” – nói rồi Hyun Sun chạy đến bên bàn của vị khách mới bước vào, trông rất vội vã. Hôm nay đông khách như thế, việc bắt anh ta phải tiếp chuyện với mình quá lâu là điều không thể.

Nhưng trông Hyun Sun khác hẳn với tên đàn ông mời rượu tôi tối hôm qua. Một anh chàng cao lớn, đẹp trai theo kiểu hiền lành và không còn mùi nhà nghỉ nữa. Anh có mùi bếp, cũng có thể vì hôm nay anh ta mặc đồng phục của phục vụ quán ăn với tạp dề màu xanh đen cột ngang hông. Hyun Sun trông như một người đàn ông đứng đắn và tốt bụng, ít nhất là lúc này, khi anh ta đang chạy đi chạy lại qua mấy dãy bàn. Từ cái cúi chào, đến sự thân thiện và thái độ phục vụ nhiệt tình, tôi chẳng tìm ra chỗ nào giống kẻ có nhiều tình một đêm cả. Nhưng có một thứ khiến cái ý nghĩ “mình nhận nhầm người rồi” không có cơ hội hiện ra trong đầu tôi. Là sự dịu dàng.

Mỗi ánh mắt, cử chỉ, thậm chí là lấy khăn lau bàn sau khi khách đã rời đi, Hyun Sun đều mang vẻ dịu dàng. Người khác đánh giá một người đàn ông dịu dàng là như thế nào tôi không biết, nhưng cách Hyun Sun chỉnh lại ba bông hoa hồng đỏ đặt trên quầy thanh toán làm tôi mê mẩn. Anh chỉ đơn giản là đưa những ngón tay thon dài ra chạm vào chúng. Hết sức cẩn thận.

“Tôi xong rồi đây!”

Nói một lát vậy thôi, nhưng thực ra là nhiều lát. Hyun Sun tan ca khi tôi vừa ăn xong phần ăn thứ hai, vì nếu ngồi đây lâu quá mà không ăn gì cũng hơi kì. Anh không mặc bộ đồ phục vụ bàn nữa mà thay lại áo thun quần bò siêu siêu đơn giản. So với bộ vét anh ta mặc tối qua.

“Cảm ơn anh.”

Vì tôi vẫn còn no do ăn một lúc hai phần ăn, nên chúng tôi ghé vào một tiệm cà phê trên đường dạo bộ. Anh mời tôi một ly, tôi chọn Americano – loại tôi sẽ luôn uống khi vào những quán cà phê kiểu tây như thế này.

“Sao lại cảm ơn tôi? Vừa nãy cậu cũng giúp chỗ tôi bán được tận hai phần ăn cơ mà.” - Hyun Sun đặt xuống bàn một ly Americano và một ly Espresso. Bây giờ thì anh ta lại là một người cư xử lịch thiệp và mang hơi hướng của một chàng điển trai vạn cô mê.

“Cả chuyện kia nữa.” – tôi lí nhí trả lời.

“Chuyện kia?” – anh ta hơi đần mặt ra một chút, rồi như vỡ lẽ, Hyun Sun “À” lên một tiếng – “Cậu bao nhiêu tuổi?”

“20.” – anh ta đột nhiên chuyển chủ đề, vậy mà tôi cũng kịp thích ứng để đáp lại.

“Cậu còn quá trẻ. Và ai thì cũng nên được đối xử tử tế như vậy.”

Năm tôi hai mươi tuổi, Hamyang không tẻ nhạt hay đông đúc, mà hóa ra dịu dàng.

.

Đầu tháng 5, tôi chuyển đến sống cùng Yong Guk trong căn nhà mua bằng tiền của cậu ta và anh chị. Anh Yong Nam rất nhiệt tình mang đồ đạc vào nhà giúp tôi, dù không nhiều là mấy. Anh bảo, hãy cứ xem chỗ này là nhà của em.

Phòng của Yong Guk, giờ là phòng của Yong Guk và tôi, có hai giường chứ không phải một giường tầng như tôi đã tưởng tượng trước đó. Hai chiếc giường nằm ở hai góc đối diện của căn phòng, quay chân vào nhau, giường của tôi sẽ là chiếc nằm xa cửa hơn. Hai bộ bàn ghế làm việc đặt ngay bên cạnh đầu giường, và đều có một kệ sách treo bên trên. Tủ quần áo chỉ có một, đặt dưới chân giường tôi, bốn cánh cửa mà tôi nghĩ một nửa sẽ là chỗ để quần áo của mình. Khá gọn gàng. Nhưng suy nghĩ ấy của tôi biến mất ngay khi lia mắt tới thùng rác cạnh bàn của Yong Guk. Chỗ đó đầy giấy bị vò thành cục, và tôi nghĩ căn phòng này hẳn là bừa bộn trước khi tôi đến.

“Giường thế nào, thoải mái không?” – Yong Guk mang cho tôi một ly trà, khi ấy tôi đang ngồi trên giường nhún nhún vài cái để thử độ mềm của đệm.

“Hẳn rồi.” – tôi nói, bưng tách trà lên. Yong Guk tiến đến ngồi xuống cạnh tôi. Và tôi phát hiện cổ áo sơ mi nhàu nát của cậu ta chưa bẻ xuống hết.

Tôi đặt tách trà lên bàn, vươn tay ra giúp Yong Guk chỉnh lại cổ áo. Như có cái gì ngạc nhiên lắm, vì mặt cậu ta rõ ràng là vậy. Chưa bao giờ chúng tôi gần nhau như thế này. Tôi cố kìm lại hơi thở, suy nghĩ chạy không kịp với hành động của chính mình. Tim tôi cứ nhảy loạn xạ trong lồng ngực làm tôi chỉ muốn nôn nó ra cho đỡ mệt.

“Bao nhiêu tuổi rồi mà bẻ có cái cổ áo cũng không xong?”

“Cậu chỉ cần nhắc để tớ chỉnh thôi mà. Đâu cần phải giúp.”

“Ai thì cũng nên được đối xử tử tế như vậy.”

Tôi lặp lại lời Hyun Sun đã nói với mình vào buổi trưa hôm ấy ở Hamyang.

End extra.

Like this story? Give it an Upvote!
Thank you!

Comments

You must be logged in to comment
No comments yet