Thụy Điển (1)

[SERIES][YONGGUK-CENTRIC/BANGHIM][PG-15] NHỮNG CHUYẾN ĐI XA

Chương 1

“Cậu có chắc không muốn đi cùng tớ chứ?” – Yong Guk ngước nhìn những rạng mây xám phía cuối trời. Gã nắm lấy cánh tay Him Chan đang xoa vào nhau vì lạnh, mắt long lanh tia cười yêu thương.

“Đã là lúc nào rồi mà cậu còn hỏi ngớ ngẩn như thế? Hai tiếng nữa là cậu bay rồi còn đâu.” – Him Chan choàng cái khăn len to sụ che đi gần nửa khuôn mặt. Cậu để gã nắm lấy tay mình, dịu dàng và nâng niu.

“Tớ có thể không đi mà…”

“Đồ ngốc. Vào trong đi để tớ còn về. Ngoài này lạnh quá!” – cậu dứt tay mình khỏi tay gã rồi cho vào túi áo khoác.

Yong Guk xụ mặt xuống.

“Tớ đi thiệt à nghe, đừng có mà nhớ…”

“Gớm! Vài ngày nữa là chúng ta lại gặp nhau còn gì!” – Him Chan nói, cậu vỗ lên vai gã trai bạn mình. Rồi tự nhiên cậu ôm chầm lấy gã. Giữ thật lâu…

.

.

.

Ba giờ sáng, Thụy Điển.

Yong Guk đáp chuyến bay đường dài xuống sân bay quốc tế Arlanda, mệt nhoài. Gã lê lết vác hành lý ra khỏi sân bay rồi vẫy tay gọi một chiếc taxi đến thẳng đến khách sạn đã đặt. Đường phố Thụy Điển ba giờ sáng ít nhộn nhịp. Cảnh vật yên ả trôi tuột qua cửa kính taxi, nhanh vèo đến nỗi những biển quảng cáo đèn led sáng chói chỉ còn là những mảng màu sắc vui tươi sượt dài. Yong Guk mơ màng. Gã đem đôi bàn tay tê lạnh ủ vào sau lớp áo khoác, cẩn thận nhìn cho kĩ hình ảnh lờ mờ đang lướt qua bên ngoài, như muốn thu hết vào tầm mắt.

Trong một chốc, gã đã nghĩ, có lẽ lần sau nên mang theo cả Him Chan nữa.

 

Lục đục vào khách sạn thì đã là bốn giờ sáng, cả Thụy Điển cũng bắt đầu sáng lên. Gã nhìn qua tấm rèm cửa, nhận ra góc nhìn ở đây thật tốt, từ đây có thể phóng mắt đi xa thật xa. Rồi gã lại tự nhẩm một mình, đáng lẽ nên mang theo cả Him Chan nữa. Mà rồi gã lại nghĩ, buồn cười thật, gã muốn quay lưng bỏ đi tất cả để tập trung vào những suy nghĩ của gã, thế thì việc gì gã cứ phải nhớ đến Him Chan?

Rồi gã nghĩ, lại nghĩ, tự vấn bản thân, có phải Him Chan chính là nguyên nhân cho tất cả những suy nghĩ của gã không? Vì sao Him Chan lại xuất hiện? Vì sao cậu lại chọn gã để bầu bạn? Vì sao lại là gã? Vì sao và vì sao? Những suy nghĩ chưa bao giờ chấm dứt.

Cuối cùng, gã nghĩ, lại nghĩ, cứ kệ đi, cứ lo mà sống những ngày rong ruổi đã được lên sẵn kế hoạch của gã đã rồi suy nghĩ tiếp. Cho dù gã biết tất cả sẽ chẳng đâu vào đâu, những gã vẫn kệ.

Gã loay hoay xếp áo quần và những thứ cần thiết vào tủ, số còn lại vẫn để trong vali và bị đá xuống góc phòng. Và gã thẫn thờ, không biết tự bao giờ mà mình lại gọn gàng ngăn nắp đến lạ. Rồi gã tự ngắm mình thật kĩ trong gương, sau cùng liếc cái gương khinh khỉnh rồi cầm quần áo vào phòng tắm.

Bốn giờ hai mươi sáu phút, Yong Guk nằm bẹp dí xuống giường, cài báo thức sáu giờ rưỡi sáng, từ từ thả lỏng bản thân.

Gã mơ về một buổi trưa hè nắng nóng. Him Chan nằm dưới hiên nhà xưa của ông nội gã, tay cầm quạt phe phẩy phe phẩy. Động tác nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh nhã, tư thế toát lên vẻ thoải mái. Gã đứng ở giữa vườn cà chua, đang tưới nước, bỗng dừng lại ngây ngốc nhìn về phía cậu. Trời gần chiều lãng đãng mây trôi, xanh một màu tươi sáng, ánh nắng lấp lánh gõ những nhịp sáng lên những giọt nước từ ống nhựa, còn gió hạ thì đùa lanh canh trên phong linh treo trước cửa. Him Chan ở đó, ngồi lên, vẫy chào về phía vườn cà, nói gì đó có vẻ thật to mà gã nghe không rõ. Rồi cậu cứ ngồi ở đó cho đến tan tầm, nhìn gã mà cười thật vui vẻ.

Giấc mơ cũng dừng lại ở đó, khi chuông báo thức vang lên.

Yong Guk giật mình mở mắt, gã thấy trần phòng sạch trơn của khách sạn. Nằm đó thêm một lát nữa, chỉ để ngắm cái trần phòng sạch trơn, gã tự chửi bản thân điên rồi.

 

Stockholm mang trong mình vẻ đẹp tinh tế, được tự hào ví như Venice của Bắc Âu với một loạt các công trình kiến trúc đầy mê hoặc. Yong Guk chọn cổ phố Gamla Stan cho ngày đầu tiên – nơi được mọi người gọi là “bảo tàng ngoài trời khổng lồ”. Thụy Điển may mắn không bị Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá nên hầu như kiến trúc và cảnh quang thiên nhiên đều không bị hư hại, vì thế mà nơi này được gìn giữ gần như hoàn hảo kể từ lúc được xây dựng vào thế kỉ thứ XIII, mỗi một căn nhà, con đường đều lưu lại dấu tích của thời gian. Gamla Stan hôm nay đầy khách du lịch. Gã mang theo một chiếc ba lô nhỏ, hòa theo dòng người, đi dọc khắp khu phố có lối kiến trúc Ý hòa lẫn kiến trúc thời Trung cổ châu Âu này. Đi qua mỗi nơi, thấy đẹp đẹp gã đều giơ máy ảnh lên chụp một tấm ảnh làm kỉ niệm. Nằm chen chúc trong những con hẻm nhỏ rải cuội ở mỗi góc cổ phố là những tòa nhà bằng đá sơn màu sáng, bảo tồn thực nguyên vẹn. Những công trình gạch đỏ thô sơ cũng xuất hiện khắp khu phố, tạo nên màu sắc và nét cổ đặc biệt chỉ có ở Gamla Stan. Tuy nơi đây có thật nhiều sắc màu khác nhau, nhưng đặc biệt nhất vẫn là màu vàng. Những tòa nhà sơn đủ mọi sắc thái vàng, mang trên mình những bức bích họa chạy dài theo những bức tường cổ kính rêu phong, ẩn ẩn hiện hiện vẻ đẹp mỹ miều của những cô gái Trung cổ hay nét cường tráng của những người đàn ông… Mỗi sắc vàng lại gợi lên một cảm giác khác nhau, cứ như đang ở thế giới cổ tích vậy. Đơn cử như cái sắc vàng đang ở trước mặt gã, sắc vàng hổ phách.

“Xin chào. Tôi có thể giúp gì cho anh?”

Yong Guk đẩy cánh cửa gỗ nhạt màu nắng của cửa hàng lưu niệm sơn màu hổ phách. Cô gái nhỏ người phía sau cánh cửa đó chào gã bằng tiếng Anh. Cô đang quét dọn một chút, thấy có khách liền nhanh nhảu cất chổi đi. Trông cô không phải người Thụy Điển, cũng chẳng giống một người châu Âu. Cô giống gã, nói đúng hơn là một người châu Á, với đôi mắt nâu đen ẩn sau cặp kính và mái tóc đen dài đúng chất người Á Đông.

“Tôi muốn mua một món đồ lưu niệm.” – gã nhận ra mình có một chút khó hiểu. Màu hổ phách khiến gã đẩy cánh cửa gỗ đó ra và bước vào trong, không phải chủ ý của gã.

“Quý khách cứ xem thoải mái đi ạ.”

Lúc bấy giờ, Yong Guk mới để ý đến cách bài trí của cửa hàng. Ngoài một cái cửa kính lớn để trưng bày đồ lưu niệm cho người đi đường nhìn thấy, bên trong hoàn toàn đơn giản và ấm áp. Cửa hàng cũng không lớn, chỉ có mỗi cô gái người Á đó ở đây, nhìn có vẻ như cô ấy sở hữu nơi này, một mình một cõi. Những vật lưu niệm trong này cũng hơi lạ, khác hơn những cửa hàng mà Yong Guk đã nhìn thấy trong suốt cuộc đời mình. Góc bên trái bày một cái kệ gỗ ba ngăn với ngăn trên cùng dựng mấy quyển hướng dẫn du lịch, bản đồ, còn có cả một quả địa cầu bằng đồng nho nhỏ. Hai ngăn kệ bên dưới là những tượng mô phỏng những kiến trúc nổi tiếng của Thụy Điển, không bằng thủy tinh thì cũng bằng đồng, sắc nét và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Quầy giữa cửa hàng làm theo lối bậc thang vòng tròn như bánh kem nhiều tầng. Tầng trên cùng cao ngang cổ Yong Guk dặt một cuốn lịch sử Thụy Điển phủ bụi dày cộp, cạnh bên quyển sách đề bảng “Hàng không bán” bằng tiếng Thụy Điển lẫn tiếng Anh. Những tầng bên dưới bài trí những món đồ lưu niệm như vòng tay, dây chuyền, móc chìa khóa, móc điện thoại, còn có cả áo in địa danh, kính mát, mũ đội đầu, khăn voan và vòng hoa khô đội đầu, không hề viết bảng giá. Yong Guk giở thử vài trang của quyển lịch sử, khục khặc ho vì bụi bay, gã nghĩ chắc chẳng ai có đủ thì giờ để đọc xem trong này viết những gì và người chủ cũng không hề lau bụi. Gấp nó lại, gã tiến đến xem quầy hàng bên phải. Bên này bày chủ yếu là những quyển sổ nhỏ và những cây quạt giấy cầm tay rất châu Á. Yong Guk cầm lên một cây quạt, quan sát nó thật kĩ. Đó là cây quạt gã thấy Him Chan cầm phe phẩy trong giấc mơ – cây quạt giấy vẽ hình đôi cá vàng bơi trong bể nước.

“Lanh canh…”

Chủ cửa hàng mở cửa ra để đổ rác, vô tình làm gió lùa vào trong, khua mấy cái phong linh treo trên trần nhà, đánh lên tiếng lanh canh nho nhỏ. Yong Guk giật mình, tựa hồ thấy có cái gì đó rất lạ. Xoay mặt lại, gã thấy cô gái nhỏ đang đứng ở phía quầy quản lý, tay chống cằm mỉm cười nhìn gã.

“Quý khách đã chọn được cái gì chưa ạ?” – cô hỏi.

“À, tôi… tôi vẫn không biết phải chọn gì… Cô có thể giúp tôi không?” – gã nói tiếng Anh có phần không lưu loát, đặt cái quạt cầm tay xuống khi chủ cửa hàng rời khỏi nơi cô đang đứng.

“Chọn cho nam hay nữ ạ?” – cô gái đi đến quầy bên phải, cầm lên một quyển sổ tay, vân vê nó.

“Là nam.”

Chủ cửa hàng nhìn sâu vào đôi mắt Yong Guk như đang đọc những ký ức của gã. Cô chọn lấy một quyển sổ rồi đặt vào bàn tay gã, cô cũng cầm lấy cây quạt mà gã đã xem. Gã theo cô đến quầy quản lý để tính tiền, như thôi miên, gã nhìn vào đôi tay cô cho quyển sổ vào trong túi giấy thiết kế sẵn, kèm theo đó là một tờ như danh thiếp đề địa chỉ cửa hàng. Gã đặt tiền lên bàn rồi nhận lấy túi giấy, trước khi rời khỏi đó, cô gái nhỏ đưa cho gã cây quạt vẽ hình đôi cá vàng, mỉm cười chào tạm biệt.

“Đây là quà.”

Yong Guk ra khỏi cửa hàng, ôm túi giấy trong lòng. Vừa định quay trở vào trả tiền cho cây quạt giấy, đã phát hiện trên bức tường màu hổ phách không còn cửa gỗ hay tủ kính nữa. Giật mình nhìn lại, gã thấy trên tay mình vẫn là túi giấy và cây quạt. Mở ra bên trong gói giấy màu vàng đất là một quyển sổ tay gáy lò xo, giữa quyển sổ ép một đóa hoa kép khô – Quốc hoa của Thụy Điển. Gã lật tờ danh thiếp, mặt trên là tên cửa hàng và một trang web liên lạc, mặt còn lại là những chữ viết tay “Trevligt att träffa dig. God dag. – Nice to meet you. Have a good day.”

Tên cửa hàng. Louis.

Gã xoa thái dương mình, quay lại nhìn bức tường sơn màu hổ phách sạch trơn lần cuối trước khi rời đi. Mơ hồ chuyện vừa xảy ra là thật hay giả. Nhưng gã cứ bước tới phía trước, tiếp tục đi qua những dãy nhà mang nhiều sắc thái vàng. Chuyện về cửa hàng đồ lưu niệm kì quái ở Gamla Stan cũng nhanh biến mất khỏi đầu óc.

Yong Guk ngồi xe buýt đi một vòng nhìn ngắm quần đảo Stockholm. Bên cạnh sắc vàng ấm áp, Stockholm còn mang theo cả một biển xanh yên bình. Nhà nối tiếp nhà, đảo nối tiếp đảo, người người nối nhau đi dạo, khiến gã nhận ra đến Thụy Điển lần này là một quyết định sáng suốt.

Và có lẽ lần sau, gã sẽ mang theo cả Him Chan.

Nghĩ đến Him Chan, gã lấy ra quyển sổ gáy lò xo trang trí đơn giản đã mua ở chỗ bức tường sơn màu hổ phách, thò tay vào ba lô tìm một cây bút, viết vào trang đầu tiên ngày tháng và nơi chốn.

Dù Stockholm có xanh tươi đến đâu

Gamla Stan lại mang một màu vàng vọt

Mãi đến khi ngồi trên xe buýt đi dọc nơi đây

Mới nhận ra mình đã nghĩ về em nhiều đến chừng nào!

Gã bắt chước Him Chan làm thơ. Mà nó dở tệ, đến mức chẳng phải thơ, đến mức gã định xé đi viết cái khác, nhưng chẳng biết làm sao lại thôi.

 

Yong Guk xuống trạm, tiếp tục bắt chuyến xe buýt số 62 đến bảo tàng lịch sử Medieval Stockholm ở đảo nhỏ Helgeandsholmen. Nơi này mở cửa miễn phí. Gã cho hai tay vào túi quần, lần lượt xem qua từng khu trưng bày. Yong Guk dừng lại trước một mô hình mô phỏng bức tường thành Stockholm thời xưa, xem thật lâu. Từng viên gạch đều được người ta dựng lại một cách thật nhất, khiến gã không khỏi cảm thấy thú vị. Xem ra lần này đi Thụy Điển cũng biết thêm một chút, gã nghĩ, rồi đưa máy ảnh lên chụp. Gã chụp rất nhiều hình, ngoại trừ những chỗ người ta gắn biển “cấm chụp ảnh” ra, còn lại gần như toàn bộ bảo tàng đều đã bị gã chụp lại hết.

Và gã lại ước rằng, có thể mang theo cả Him Chan nữa thì tốt biết mấy.

Rồi Yong Guk đến bảo tàng Nobel ở quảng trường cổ Stortorget. Đi xem chiến hạm Vasa vĩ đại ở số 14 Galärvarvsvägen. Gã còn đến cả bảo tàng nghệ thuật Moderna Museet để thưởng thức chút nghệ thuật Thụy Điển. Yong Guk ghé vào bảo tàng thiếu nhi Junibacken, bảo tàng lịch sử tự nhiên nằm ở Hazeliusporten, tới bảo tàng khoa học và công nghệ quốc gia Thụy Điển, bảo tàng văn hóa Stockholms Läns, cả bảo tàng điêu khắc Millesgården cũng ghé qua. Để kết thúc cho chuyến đi thăm bảo tàng, gã dừng chân ở Cung điện Hoàng gia Drottningholm trên đảo Lovön.

Cung điện Drott là quần thể kiến trúc khá đồ sộ, một địa điểm lý tưởng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ai đến Stockholm cũng nên một lần đến Drott tham quan. Cung điện quay mặt hướng ra một nhánh sông, nước sông trong vắt như gương soi rõ bóng toà cung điện màu ngà tráng lệ trên mặt nước. Lối vào hai bên rợp xanh màu cỏ, mấy cái cây được cắt tỉa gọn gàng tạo thành hình chữ nhật đứng xếp dọc theo lối đi. Xung quanh cung điện trồng rất nhiều cây xanh, lọt vào đây như lọt vào cả khu rừng xanh ngát. Gã cứ đi từ từ, không lấy làm hối hả. Bên này chụp một chút, bên kia chụp một chút. Một hồi cũng đã đến trước cửa cung điện. Bước vào bên trong, gã không khỏi choáng ngợp bởi lối xây dựng. Bên trong khuôn viên cung điện, ngoài nơi sinh sống và tiếp khách của các vị vua, Drottningholm còn có cả nhà thờ – nơi cầu nguyện của các thành viên Hoàng thất, nhà hát – nơi diễn ra các vở opera và tổ chức lễ hội hằng năm, và một khu vườn rộng lớn. Nơi đây đã dần dà trở thành biểu tượng của chiều dài lịch sử và văn hóa của Vương quốc Thụy Điển suốt hơn 400 năm cai trị của các vị vua. Cung điện được hòa trộn từ nhiều phong cách kiến trúc và nội thất sang trọng khác nhau qua mỗi thời đại. Thậm chí, phòng ngủ của vua Hedvig Eleonora có cách vài trí rất đặc sắc, còn có những bộ salon xuất sứ Trung Quốc từ thời vua Gustav III.

Gã tần ngần mãi trong Cung điện mãi cho đến năm giờ chiều. Dù rất muốn, Yong Guk cũng không thể ở lại đó, vì đã đến giờ đóng cửa. Gã ra khỏi Cung điện cùng những du khách khác, dạ dày gã bỗng nhiên quặn lên từng cơn. Hẳn là đau dạ dày. Ngẫm lại thì từ sáng đến giờ mải đi tham quan, gã cũng chỉ mới ăn bữa sáng đầy qua loa ở nhà hàng tầng hai của khách sạn, đến bữa trưa mà cũng quên mất. Nhìn trái nhìn phải một lúc lâu, gã quyết định sẽ trở lại nhà hàng Trung Quốc ban trưa thấy trên đường đến Drottningholm…

Like this story? Give it an Upvote!
Thank you!

Comments

You must be logged in to comment
No comments yet